CẬP NHẬT ĐIỀU TRỊ DỰ PHÒNG TÁI PHÁT SAU NHỒI MÁU NÃO VÀ TIA

Đột quỵ não (tai biến mạch máu não) là một tổn thương não xảy ra khi mạch máu não bị vỡ hoặc nghẽn tắc, dẫn tới dòng máu cung cấp cho não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể. Não bị thiếu oxy và dinh dưỡng; các tế bào não bắt đầu chết trong vòng vài phút. Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu của tàn tật, tử vong trên toàn thế giới. Vì thế, nó gây ra gánh nặng bệnh tật toàn cầu và tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do sự già hóa dân số cũng như gia tăng các yếu tố nguy cơ.

Theo điều tra dịch tễ học của Tổ chức đột quỵ Hoa Kỳ (ASA) năm 2021 thì trong đột quỵ, đột quỵ nhồi máu não chiếm 88%, chảy máu trong não chiếm 10%, 2% chảy máu dưới nhện. Như vậy, cứ 10 bệnh nhân đột quỵ thì có 9 người bị nhồi máu não. Sau đột quỵ thiếu máu não và cơn thiếu máu não thoáng quá (TIA – Transient Ischemic Attack), nguy cơ tái phát đột quỵ ngoài điều trị trong 5 năm là 25%, trong đó chủ yếu tái phát trong giai đoạn sớm 10% trong tuần đầu, 15% trong 1 tháng và 18% trong 3 tháng. Vì vậy, việc điều trị dự phòng có vai trò rất quan trọng, giúp giảm đáng kể nguy cơ tái phát đột quỵ lên tới 80%.  Ngoài việc điều chỉnh lối sống và điều trị các bệnh đồng mắc, theo khuyến cáo của Hội nghị đột quỵ Châu Âu (ESOC) năm 2022 và Hội tim mạch/ đột quỵ Hoa Kỳ (AHA/ ASA) năm 2021 thì điều trị dự phòng tái phát ở bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não và TIA tập trung vào bốn vấn đề như sau:

  1. Điều trị dự phòng thuốc kháng huyết khối
  • Việc lựa chọn các thuốc chống đông hay thuốc chống kết tập tiểu cầu để dự phòng tái phát sau đột quỵ và TIA tùy thuộc vào nguyên nhân gây đột quỵ, thời gian mắc bệnh, mức độ trầm trọng của bệnh, bệnh lý kèm theo … Dự phòng thuốc kháng huyết khối được dùng phổ biến trong thời kỳ cấp để ngăn chặn huyết khối tiến triển, tái phát và có lợi ích dự phòng lâu dài.
  • Bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não do nguyên nhân thuyên tắc từ tim thì ưu tiên sử dụng thuốc chống đông.
  • Bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não hoặc TIA không do nguyên nhân thuyên tắc từ tim tùy thuộc vào thời gian đến sớm hay muộn và điểm NIHSS bao nhiêu để ta lựa chọn thuốc kháng tiểu cầu kép hay sử dụng thuốc kháng tiểu cầu đơn.
  1. Hạ Lipid máu ở bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não và TIA
  • Cần đánh giá lipid máu và sử dụng thuốc ức chế men HMGCoA (statin) để làm giảm nguy cơ tái phát đột quỵ.

     – Mục tiêu điều trị LDL-C  < 1,8mmol/L.

  1. Kiểm soát huyết áp ở bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não và TIA
  • Điều trị hạ huyết áp để giảm nguy cơ tái phát đột quỵ và ủng hộ sử dụng thông số đo huyết áp tại gia đình để kiểm soát huyết áp lâu dài và tốt hơn.
  • Mục tiêu điều trị huyết áp là < 130/80mmHg và ủng hộ khởi trị bằng hai loại thuốc huyết áp.
  1. Kiểm soát đường máu ở bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não và TIA:
  • Mục tiêu của HbA1c là < 7% để giảm biến chứng vi mạch và mạch lớn. Tuy nhiên, mục tiêu này có thể cần được cá thể hóa dựa vào: thời gian bị đái tháo đường, tuổi và bệnh lý đồng mắc.

Tóm lại, sau đột quỵ thiếu máu não hoặc cơn thiếu máu não thoáng quá (TIA) nguy cơ tái phát đột quỵ lên tới 25% trong 5 năm. Mức độ trầm trọng bệnh ở người bị đột quỵ não tái phát thường nặng nề hơn so với người bị đột quỵ não lần đầu. Chính vì vậy, để giảm nguy cơ tái phát đột quỵ thì bệnh nhân cần tái khám bác sỹ chuyên khoa thường xuyên và được kiểm soát các yếu tố nguy cơ đột quỵ tốt theo hướng dẫn.

                                          Nguồn bài viết : Bs CK1 Huỳnh Minh Thắng, Khoa Nội Thần Kinh, Bệnh viện Quân y 17 – Cục Hậu Cần – QK5

                                                                                                                                                                                            

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *