Khoa Dược – Bệnh viện Quân y 17
Chủ nhiệm khoa: Tiến sỹ Phạm Văn Vượng
Khoa Dược – Bệnh viện Quân y 17 được thành lập cùng với Bệnh viện vào ngày 16/01/1961. Khoa Dược là khoa chuyên môn có chức năng quản lý và tham mưu cho Ban giám đốc bệnh viện về toàn bộ công tác dược trong bệnh viện nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao có chất lượng và tư vấn, giám sát việc thực hiện sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả.
Khoa Dược được trang bị hệ thống kho và các thiết bị bảo quản thuốc với mục tiêu đạt tiêu chuẩn thực hành bảo quản thuốc tốt (GSP). Khoa Dược đang từng bước áp dụng và duy trì liên tục phương pháp quản lý 5S tại các Kho dược và tủ thuốc trực ở tất cả các Khoa lâm sàng để giúp hạn chế các nguy cơ sai sót trong cấp phát thuốc.
Tổ Dược lâm sàng và Đơn vị thông tin thuốc được trang bị các tài liệu chuyên môn cập nhật, hệ thống internet truy cập nhanh và các phần mềm để giúp các dược sỹ giám sát sai sót thuốc thông qua việc kiểm tra xét duyệt các y lệnh thuốc nội trú, và đơn thuốc ngoại trú BHYT.
Công tác đào tạo liên tục được đặt lên hàng đầu tại Khoa dược để nâng cao kiến thức sử dụng thuốc, kỹ năng tư vấn và thái độ ứng xử giao tiếp nhằm giúp các dược sỹ thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn về dược lâm sàng và quản lý dược, bảo đảm chăm sóc dược cho bệnh nhân một cách tốt nhất và quản lý sử dụng thuốc một cách hiệu quả nhất.
Khoa gồm có 4 bộ phận chính:
- Bộ phận Kho và cấp phát (Nội trú và Ngoại trú)
- Dược lâm sàng và thông tin thuốc
- Hành chính Dược
- Pha chế và Đông y
Chức năng, nhiệm vụ của các bộ phận trong Khoa Dược
1. Bộ phận Kho và cấp phát:
– Cung ứng thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh viện.
– Bảo quản và quản lý thuốc tại khoa dược theo đúng quy định của nhà sản xuất.
– Thực hiện quản lý kho theo phương pháp 5S.
– Theo dõi chất lượng, số lượng, hạn dùng của các mặt hàng có trong kho dược.
– Thực hiện kiểm kê định kỳ hàng tháng, năm và/hoặc đột xuất khi yêu cầu.
– Kiểm tra, điều phối sử dụng, theo dõi định kỳ về bảo quản và hạn sử dụng các thuốc tại các tủ trực cấp cứu.
– Cấp phát theo y lệnh cho khoa lâm sàng và cho từng bệnh nhân ngoại trú.
2. Tổ Dược lâm sàng
– Lập kế hoạch hoạt động dược lâm sàng hàng năm
– Kiểm soát, quản lý sai sót thuốc trong kê đơn sử dụng thuốc.
– Quản lý sử dụng kháng sinh tại bệnh viện, đặc biệt chủ động theo dõi tất cả các trường hợp sử dụng kháng sinh đánh dấu * và kháng sinh phê duyệt.
– Theo dõi sử dụng thuốc an toàn và hợp lý tại Khoa lâm sàng về 6 Đúng: đúng người bệnh, đúng thuốc, đúng liều, đúng cách dùng, đúng thời gian và đúng hồ sơ.
– Giám sát về tương tác thuốc, tác dụng phụ của thuốc.
– Tham gia hội chẩn sử dụng thuốc tại các Khoa lâm sàng, tư vấn bác sĩ về lựa chọn thuốc, điều chỉnh liều thuốc cho bệnh nhân suy thận và các đối tượng đặc biệt.
– Giám sát chủ động phản ứng bất lợi của thuốc (ADR) tại khoa lâm sàng.
– Phụ trách công tác thông tin thuốc trong bệnh viện: Thông tin, tư vấn cho bác sĩ, điều dưỡng, bệnh nhân về sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.
– Thực hiện công tác đào tạo liên tục (CME, CPE) cho nhân viên y tế trong bệnh viện. Đào tạo sinh viên dược. Đào tạo dược sỹ học việc.
– Thực hiện các đề tài NCKH về dược lâm sàng.
3. Tổ Hành chính
– Tham mưu cho chỉ huy khoa về mọi hoạt động của khoa
– Lập kế hoạch hoạt động dược theo mục tiêu cải tiến chất lượng công tác dược hàng năm.
– Quản lý thuốc gây nghiện, hướng thần và tiền chất.
– Cập nhật và phổ biến triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định về quản lý chuyên môn dược trong toàn viện.
– Cập nhật và quản lý bộ quy trình chuẩn (SOPs) của khoa Dược.
– Quản lý danh mục thuốc sử dụng trong bệnh viện, theo dõi, thông báo các trường hợp thuốc mới bổ sung, hoặc ngừng sử dụng, trình HĐTĐT phê duyệt những thay đổi trong danh mục.
– Kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn dược về việc bảo quản, quản lý, cấp phát thuốc tại khoa dược và các khoa lâm sàng.
– Kiểm tra hoạt động chuyên môn của nhà thuốc bệnh viện.
– Báo cáo hoạt động cho trưởng khoa dược.
– Kiểm tra, đối chiếu biên bản kiểm nhập của kho dược và các hóa đơn, chứng từ nhập thuốc vào phần mềm.
– Theo dõi, thống kê, báo cáo số liệu nhập, xuất, tồn của thuốc, VTYT trong toàn viện.
4. Tổ pha chế, đông y
– Thực hiện quy định và quy trình pha chế thuốc dùng ngoài tại phòng pha chế của Khoa dược.
– Chịu trách nhiệm quản lý và giám sát tuân thủ các quy định trong quá trình pha chế.
– Tham gia kiểm tra, xét duyệt đơn thuốc pha chế, đơn thuốc đông y.