Phụ nữ mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối: ESRD (End-stage renal disease) lọc máu chu kỳ việc có thai đã là điều rất khó. Thử thách khó hơn là để đảm bảo cho thai nhi lớn và chào đời. Sự hiếm gặp của sự kiện này chủ yếu là do các vấn đề về sinh sản, tỷ lệ thất bại cao, bao gồm: sẩy thai, thai chết lưu và sinh non. Lọc máu trên những bệnh nhân này để cho sự thành công của thai phụ quả là vấn đề còn khá phức tạp đối với các trung tâm lọc máu trên thế giới. Ấy vậy mà tại khoa Thận – Lọc máu BVQY 17 đã điều trị thành công một thai phụ lọc máu chu kỳ năm thứ 2
Đầu tháng 6 năm 2021 vợ chồng chị Bích Trâm đã thông báo cho Thạc sỹ , Bác sỹ Phan Thanh Hải CN khoa Thận- Lọc máu là Chị đã mang thai được 8 tuần. Cùng niềm vui chung với gia đình chị là những nỗi lo đối với đội ngũ Y- Bác sỹ, điều dưỡng của khoa Thận – Lọc máu BVQY17 bởi vì: người bình thường có thai khó một thì bệnh nhân suy thận mạn tính, phải lọc máu chu kỳ giữ thai càng khó khăn hơn cả trăm lần, trong khi trên thế giới số lượng thành công của các sản phụ này là rất ít, Trong nước chỉ có Bệnh viện Bạch Mai cũng thành công một vài ca, các Bệnh viện khu vực đều không có kinh nghiệm. Tài liệu tham khảo trong nước không có, tài liệu nước ngoài chỉ dừng mức mô tả. Biết là vô cùng khó khăn và nguy hiểm nhưng nỗi khát khao được làm mẹ và sự quyết tâm giữ cháu đến cùng của gia đình. Chúng tôi đã vào cuộc và lên kế hoạch giữ lại cháu bé. Nhờ sự đồng thuận cao của lãnh đạo Ban giám đốc BVQY17, tất cả các y bác sỹ trong Bệnh viện, với sự hỗ trợ của TS.Nguyễn Hữu Dũng chủ tịch Hội lọc máu VN, Khoa thận BV Đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện sản nhi Đà Nẵng và quyết tâm của các Bác sỹ điều dưỡng khoa Thận – Lọc máu BVQY 17 đã trực tiếp xây dựng một phương án điều trị đặc biệt cho chị Bích Trâm. Với bệnh nhân suy thận, các độc tố trong máu như Ure, Creatinin….., ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của thai nhi. Bên cạnh đó, người mẹ phải dùng kết hợp nhiều loại thuốc: thuốc huyết áp, thuốc chống đông… Thai phụ lại không đi tiểu được nên dẫn đến tăng cân, không thể dự đoán được các biến chứng như sản giật… Đây là cái khó đầu tiên mà các bác sĩ Khoa thận nhân tạo phải đối diện: Phải theo dõi sát sao chỉ số cân nặng của thai phụ vì nó liên quan đến việc rút nước trong buổi lọc, nhất là kiểm soát huyết áp trong phạm vi rất hẹp (110/70 – 130/80mmHg). Chỉ cần 1 sai sót nhỏ có thể dẫn ảnh hưởng lớn đến thai nhi và người mẹ. Cái khó thứ hai là: Nồng độ PH trong máu bệnh nhân cần phải duy trì rất ổn định, pH cao có thể kích hoạt sảy thai. Ở những bệnh nhân lọc máu chu kỳ có thai phải lọc theo một chế độ đặc biệt. Thông thường là 3 lần/tuần, khi có thai phải lọc 6 lần/tuần, từ 3 – 4 tiếng/lần. Do thời gian lọc gấp đôi nên máu dễ nhiễm kiềm. Vì vậy phải điều chỉnh nồng độ bicarbonat trong dịch lọc đòi hỏi phải chính xác, nhiều khi phải có dịch chuẩn riêng. Việc này không hề đơn giản trong khi dịch covid-19 đang diễn ra, việc đi lại trao đổi rất khó khăn … Cái khó thứ ba là việc lựa chọn thuốc cho mẹ: chọn thuốc điều trị huyết áp cho mẹ thế nào để không ảnh hưởng đến thai nhi; Điều trị thiếu máu, điều trị tăng huyết áp, điều trị suy dinh dưỡng, điều trị rối loạn chuyển hoá can xi – phospho, dự phòng tiền sản giật, thúc đẩy sự phát triển của phổi thai nhi…
Kết quả không phụ lòng người, ngày 16/10/2021, bé gái An Nhiên đã chào đời trong niềm vui của gia đình và tập thể thầy thuốc khoa Thận Nhân tạo, Khoa Phụ – Sản. Cháu bé sinh mổ ở tuần thai thứ 29 do có biểu hiện suy thai với trọng lượng ước chỉ 800g. Với nỗ lực của các thầy thuốc bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng tiếp tục chăm sóc cháu bé. sau hơn 1 tháng cháu bé được ra viện. Hiện cháu được 6kg mọi sinh hoạt bình thường.
Bài viết: Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Quân y 17
Quá tuyệt vời.Xin chúc mừng tập thể khoa Thận nhân tạo bệnh viện Quân Y 17. Chúc mừng bệnh viện quân 17