SA LỒI NIỆU QUẢN (URETEROCELE, NANG NIỆU QUẢN) – TỪ LÝ THUYẾT ĐẾN CA LÂM SÀNG SỎI TRONG SA LỒI NIỆU QUẢN ĐIỀU TRỊ BẰNG NỘI SOI NGƯỢC DÒNG

►      Định nghĩa:

Sa lồi niệu quản (Ureterocele) hay nang niệu quản là tình trạng giãn đoạn niệu quản cuối thành nang giả lồi vào trong lòng bàng quang. Có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào nhưng gặp nhiều ở trẻ em. Trong hầu hết các trường hợp thường có kết hợp với bất thường bẩm sinh khác (Thận – niệu quản đôi, giãn đài bể thận niệu quản…)

►      Phân loại:

–         Trong bàng quang (Intralvesical) túi lồi nằm hoàn toàn trong lòng bàng quang

–         Lạc chỗ (Ectopic): một vài phần của túi lồi lan xuống cổ bàng quang hoặc niệu đạo.

►      Biến chứng: Sa lồi niệu quản là một dị tật bẩm sinh, nếu không được điều trị có thể gây nên một số biến chứng nhất định:

–         Ứ nước thận cùng bên

–         Trào ngược bàng quang niệu quản

–         Vỡ niệu quản

–         Sỏi trong túi sa lồi niệu quản.

Trong đó biến chứng có sỏi lớn trong túi sa lồi niệu quản ít gặp, dễ gây chẩn đoán nhầm với các trường hợp sỏi niệu quản, sỏi bàng quang. Dưới đây là một ca lâm sàng sỏi trong túi sa lồi niệu quản được chẩn đoán và điều trị thành công tại khoa Ngoại chung – Bệnh viện Quân Y 17.

►      Ca lâm sàng:

– Bệnh nhân nam 51 tuổi vào viện ngày 19/11/2023 tại Khoa Ngoại chung – Bệnh viện Quân y 17 vì tiểu nhiều lần, tiểu đau, có lúc tiểu máu (nước tiểu hồng nhạt), đi siêu âm bàng quang phát hiện có sỏi bàng quang. Khám lâm sàng: hai thận không lớn, hố thắt lưng bên trái không đau. Cầu bàng quang (-),

– Xét nghiệm huyết học và sinh hóa máu về chức năng thận hoàn toàn bình thường, xét nghiệm nước tiểu có HC (+)

– Xét nghiệm chẩn đoán hình ành:

+ Siêu âm hệ tiết niệu: 2 thận bình thường. Hình ảnh khối tăng âm trong bàng quang, có bóng lưng, kích thước 18 x 10 mm.

Hình 1: Siêu âm bàng quang, hình ảnh nốt tăng âm trong bàng quang lệch trái

+ Phim XQ hệ tiết niệu không chuẩn bị (KUB): 2 thận không có sỏi. Nốt cản quang ở vùng tiểu khung hơi lệch trái kích thước 20 x 10 mm, đậm độ cản quang cao.

Hình 2: KUB, hình ảnh sỏi cản quang ở tiểu khung, lệch trái

+ Bệnh nhân được chụp CT hệ niệu có tiêm thuốc cản quang kết quả: TD sỏi bàng quang vị trí lỗ niệu quản trái.

Hình 3 Hình ảnh Sỏi trên CT scanner hệ tiết niệu

Kết hợp khám lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh, bệnh nhân được chẩn đoán: Theo dõi Sỏi bàng quang. Chẩn đoán phân biệt: sỏi trong túi sa lồi niệu quản trái.

Có chỉ định nội soi bàng quang ngượ dòng để chẩn đoán và điều trị. Trên hình ảnh soi bàng quang: Niêm mạc bàng quang trơn láng, không u cục, không có sỏi, lỗ niệu quản phải bình thường. Tại vị trí lỗ niệu quản trái là một túi sa niệm mạc lớn, có kích thước khoảng 25 x 20 mm, niệm mạc túi sa phù nề, qua thành túi sa thấy được viên sỏi trong lòng.

Hình 4: Hình ảnh soi bàng quang, từ cổ bàng quang nhìn vào thấy bên trái có khối lồi niêm mạc phù nề

Nhận định đây là một trường hợp sỏi trong túi sa lồi niệu quản vào bàng quang, kíp phẫu thuật quyết định tiến hành: Dùng laser mở rộng miệng lỗ niệu quản trái, bộc lộ viên sỏi. Tiếp tục dùng laser Holmium phá vỡ viên sỏi thành các mảnh vụn. Dùng rọ lấy các mảnh vụn ra ngoài lòng bàng quang và lấy ra ngoài. Kiểm tra niệu quản trái lưu thông tốt. Đặt sonde JJ niệu quản trái. Kết thúc thủ thuật.

Hình 5: Hình ảnh sỏi sau khi xẻ niêm mạc túi sa lồi

Hình 6: XQuang bệnh nhân sau tán sỏi- đặt sonde JJ niệu quản trái

Sau 04 tuần bệnh nhân được rút sonde JJ, chức năng thận bình thường.

►      Bàn luận:

Sa lồi niệu quản là tình trạng giãn thành nang giả của đoạn niệu đạo tận cùng dưới niêm mạc. Bệnh có thể gặp ở bất cứ tuổi nào, từ trẻ sơ sinh cho đến tuổi già, nhưng bệnh gặp nhiều ở trẻ em. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp chỉ phát hiện khi lớn tuổi như trong trường hợp ca lâm sàng trên do các triệu chứng không đặc hiệu, dễ nhầm với các bệnh lý đường tiết niệu khác.

Một số phương pháp chẩn đoán và đánh giá sa lồi niệu quản gồm:

– Nội soi bàng quang ngược dòng: cho phép quan sát trực tiếp túi sa lồi niệu quản và cũng như tình trạng đường tiết niệu.

– MRI độ phân giải cao: Cung cấp hình ảnh nâng cao về thoát vị niệu quản và các cấu trúc liên quan.

– Siêu âm: Dùng để phát hiện sớm, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, ở người lớn và đã có những biến chứng như sỏi trong túi sa lồi, hình ảnh có thể không điển hình.

Các lựa chọn điều trị sa lồi niệu quản gồm điều trị bảo tồn và điều trị phẫu thuật, từ nội soi bàng quang ngược dòng xẻ túi sa lồi niệu quản và giải quyết biến chứng sỏi như trong ca lâm sàng nêu trên, cho đến các phẫu thuật xâm lấn hơn như cắt bỏ một phần thận – niệu quản hoặc tạo hình niệu quản – bàng quang. Việc lựa chọn phương pháp tiếp cận phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tình trạng lâm sàng của bệnh nhân, tuổi, chức năng thận cùng bên, có hay không biến chứng trào ngược hoặc tắc nghẽn. Các chỉ định điều trị được đưa ra dựa trên tình trạng lâm sàng và các yếu tố khách quan của bệnh nhân, nhằm bảo tồn chức năng thận và giảm thiểu các biến chứng.

Tài liệu tham khảo

  1. Pohl HG. Embryology, Treatment, and Outcomes of Ureteroceles in Children. Urol Clin North Am. 2023 Aug;50(3):371-389.
  2. Sander JC, Bilgutay AN, Stanasel I, Koh CJ, Janzen N, Gonzales ET, Roth DR, Seth A. Outcomes of endoscopic incision for the treatment of ureterocele in children at a single institution. J Urol. 2015 Feb;193(2):662-6. [PMC free article] [PubMed]
  3. Battin A, Fakadej T, Crigger C, Al-Omar O, Luchey A. Rare late presentation of bilateral single system intravesical ureteroceles complicated with ureterolithiasis: Case report and literature review. Urol Case Rep. 2021 May;36:101562. [PMC free article] [PubMed]
  4. Herz D, Smith J, McLeod D, Schober M, Preece J, Merguerian P. Robot-assisted laparoscopic management of duplex renal anomaly: Comparison of surgical outcomes to traditional pure laparoscopic and open surgery. J Pediatr Urol. 2016 Feb;12(1):44.e1-7. [PubMed]

Nguồn bài viết : Bs Ck2 Trần Đình Bang, Nguyễn Trần Sang, Khoa Ngoại chung Bệnh viện Quân y 17

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *